UBND HUYỆN THANH HÀ
TRƯỜNG THCS TÂN AN
Số: 01/KHCL-THCS
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tân An, ngày 15 tháng 10 năm 2010
|
KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG
GIAI ĐOẠN 2010 - 2015, TẦM NHÌN 2020
Căn cứ Luật giáo dục Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006;
Căn cứ Điều lệ trường THCS, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ- BGD&ĐT ngày 02 tháng 04 năm 2007;
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về phát triển Giáo dục;
Căn cứ vào đặc điểm tình hình của nhà trường và của địa phương
Trường THCS Tân An xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 như sau:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về phát triển Giáo dục;
Căn cứ vào đặc điểm tình hình của nhà trường và của địa phương
Trường THCS Tân An xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020
I. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG:
1- Điểm mạnh của nhà trường
1.1 Đặc điểm tình hình :
1.1.1 Môi trường bên trong:
a. Điểm mạnh.
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường gồm 30 đồng chí, trong đó: BGH: 2, giáo viên: 24, nhân viên: 4.
- Trình độ chuyên môn: 100% đạt chuẩn trở lên, trong đó có 12/24 giáo viên đạt trình độ đại học.
- Công tác quản lý của BGH có tầm nhìn đáp ứng được yêu cầu đề ra, giải quyết công việc khoa học, sáng tạo. Kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá sâu sát, hiệu quả và đổi mới và nhận được sự tin tưởng của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, gắn bó với nhà trường mong muốn nhà trường phát triển, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm nhìn chung đáp ứng được yêu cầu về đổi mới giáo dục.
- Chất lượng học sinh năm học 2009 - 2010:
+ Học lực giỏi: 35 em đạt 9,3%; khá 140 em đạt 37,1%; học lực TB 187 em đạt 49,6%; học lực yếu - kém: 15em chiếm 4,0%
+ Hạnh kiểm loại tốt 194 em đạt 51,5% ; khá 154 em đạt 40,8%, loại TB 27 em chiếm 7,2%; yếu 2 = 0,5%
+ Đồng đội học sinh giỏi cấp huyện các môn văn hoá xếp thứ 12/25 trường trong huyện (10 em) với 3 giải Nhì, 1 giải Ba và 6 giải KK, thành tích đội Điền Kinh xếp thứ 24/26 trường trong huyện.
+ Đã công nhận tốt nghiệp THCS cho 96/96 em đạt 100%
+ Kết quả trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2010 - 2011 có 73/86 emdự thi đạt 84,88%
- Kết quả thi đua năm học 2009 - 2010:
- Có 4 CBGV đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" và 17 đ/c đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở.
- Nhà trường đạt danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến".
- Chi bộ đạt danh hiệu "Trong sạch vững mạnh" năm 2010.
- Thư viện đã được công nhận danh hiệu "Thư viện chuẩn".
Các phong trào thi đua được triển khai và thực hiện có hiệu quả: cuộc vận động “Hai không” kết hợp với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” Đặc biệt là phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
- Về cơ sở vật chất của nhà trường hiện có:
+ Phòng học: 06
+ Phòng học bộ môn: 04
+ Phòng Thư viện: 01
+ Phòng tin học: 01 (54m2 với 13 máy đã được kết nối Internet)
+ Phòng Hội đồng: 01
+ Văn phòng tổ: 01
+ Phòng truyền thống: 0
+ Phòng y tế: 0
+ Phòng Đoàn Đội: 0
+ Phòng Công Đoàn: 0
+ Phòng bảo vệ, thường trực: 01
+ Khu hiệu bộ: 0
+ Nhà để xe GV: 01
+ Nhà để xe HS: 01
+ Nhà vệ sinh GV: 02; nhà vệ sinh HS: 02.
+ Bàn ghế HS 2 chỗ ngồi đạt tiêu chuẩn 100%.
+ Các thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu mầu, các thiết bị dạy học theo danh mục... khá đầy đủ.
Cơ sở vật chất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
- Thành tích chính: Đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm, đoàn kết; chất lượng học sinh giỏi khá; hoạt động Đội có chiều sâu.
b. Điểm hạn chế.
- Tổ chức quản lý của Ban Giám hiệu:
+ Chưa chủ động hoàn toàn được các nguồn lực cho nhà trường nhất là nguồn lực về tài chính.
+ Việc đánh giá xếp loại giáo viên chưa chặt chẽ, đôi lúc còn mang tính động viên.
- Đội ngũ giáo viên, nhân viên: Một bộ phận nhỏ giáo viên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong các hoạt động dạy học, phương pháp chủ nhiệm lớp của một số đồng chí hiệu quả chưa cao, sự tiến bộ về ý thức đạo đức của học sinh chưa được như mong đợi.
- Chất lượng học tập của học sinh : Học sinh có học lực TB và yếu còn chiếm tỷ lệ cao.
- Cơ sở vật chất: Chưa có khu hiệu bộ, nhà tập đa năng, còn thiếu phòng học để tổ chức các hoạt động khác như phụ đạo học sinh yếu, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp...
1.1.2 Môi trường bên ngoài:
a. Thời cơ:
- Đã có sự tín nhiệm của học sinh và phu huynh học sinh trong và ngoài nhà trường.
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên năng động, được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn khá vững vàng.
- Nhu cầu về một môi trường giáo dục chất lượng cao là tất yếu và ngày càng tăng.
b. Thách thức:
- Sự đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của học sinh, phụ huynh và xã hội trong thời kỳ hội nhập.
- Sự đòi hỏi đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Giáo dục.
- Đòi hỏi về ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công việc.
1.2 Xác định các vấn đề ưu tiên:
- Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và công tác quản lý.
- Áp dụng các chuẩn vào việc đánh giá các hoạt động của nhà trường về đội ngũ, công tác quản lý, công tác dạy và học.
- Huy động các nguồn lực tài chính nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động và nâng cao chất lượng giáo dục.
II. SỨ MẠNG, GIÁ TRỊ VÀ TẦM NHÌN:
1. Sứ mạng.
Xây dựng một môi trường giáo dục có nề nếp, kỷ cương và chất lượng cao, theo kịp sự phát triển của xã hội để mỗi học sinh đều được chăm sóc, đều có cơ hội phát huy các khả năng, năng lực và sự sáng tạo của bản thân.
2. Tầm nhìn.
Là một ngôi trường chất lượng cao có bản sắc văn hoá riêng, nơi học sinh tin tưởng lựa chọn để học tập, rèn luyện kỹ năng sống và khát vọng về một tương lai tốt đẹp.
3. Hệ thống giá trị cơ bản của nhà trường.
- Tinh thần trách nhiệm.
- Tính trung thực.
- Khoan dung.
- Sự tôn trọng.
|
- Khát vọng vươn lên.
- Sự hợp tác.
- Tính sáng tạo.
- Tình thương.
|
III. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
- Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.
- Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục Tiểu học, có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống.
- Góp phần phát triển nền Giáo dục - Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
2. Mục tiêu cụ thể :
2.1 Chất lượng học sinh các năm học:
+ Học lực: Loại giỏi đạt 7-10%; khá đạt 40- 45%; học lực yếu: chiếm<1%
+ Hạnh kiểm: Loại tốt + khá đạt 85- 95%; loại TB đạt 5-15%; loại Yếu= 0%.
+ Tốt nghiệp THCS đạt 99-100%
+ Tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT hệ công lập đạt: 50% số học sinh đã tốt nghiệp.
+ Tỉ lệ học sinh vào học THPT dân lập, TTGDTX hoặc ở các trường đào tạo nghề > 40%.
+ Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành phổ cập bậc trung học.
2.2. Đội ngũ cán bộ, giáo viên:
- 100% GV đạt chuẩn từ loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học; 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên đều sử dụng thành thạo máy vi tính trong công tác và học tập;
- Đến năm 2015: 100% Tổ trưởng chuyên môn, tổ phó chuyên môn đạt trình độ đại học;
- Đến năm 2015: > 70% giáo viên có trình độ đại học.
2.3. Cơ sở vật chất:
- Xây dựng môi trường sư phạm “ Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”
- Năm học 2011- 2012: Xây dựng khu hiệu bộ.
- Năm học 2012-2013: Làm mới bê tông sân khu hiệu bộ, xây dựng hệ thống thoát nước, san lấp mặt bàng toàn bộ địa phận nhà trường quản lý, xây dựng tường bao, xây dựng nhà bảo vệ, xây dựng nhà để xe cho giáo viên, tu bổ hệ thống cây xanh trong khuôn viên, tu sửa và trang trí các phòng học, tu sửa các phòng chức năng đạt chuẩn quốc gia.
- Năm học 2013-2014: Từng bước trang bị các phương tiện dạy học hiện đại đến các lớp học, nâng cấp hệ thống điện các phòng học.
- Năm học 2014-2015: Hoàn thiện hệ thống nước sạch (rửa tay) cho giáo viên và học sinh trong nhà trường, củng cố các phương tiện phòng y tế ; trang bị các phương tiện dạy học hiện đại, trang bị các thiết bị nghe nhìn cho phòng học ngoại ngữ.
- Từ năm 2015 đến năm 2017: Xây dựng thư viện Tiên tiến.
- Từ năm 2017 đến năm 2020: Xây dựng nhà tập đa năng để phục vụ các hoạt động trong nhà trường.
3. Phương châm hành động:
"Chất lượng giáo dục là danh dự của nhà trường"
IV. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:
1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh:
Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá cho học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.
Người phụ trách: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn.
2. Xây dựng và phát triển đội ngũ:
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn khá giỏi; có trình độ Tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Người phụ trách: Ban Giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn.
3. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục:
Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Bảo quản và sử dụng thiết bị hiệu quả, lâu dài.
Người phụ trách: Ban Giám hiệu; Kế toán, cán bộ Thư viện, Thiết bị.
4. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin:
Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, sử dụng có hiệu quả website của trường, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử…Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự học hoặc theo học các lớp bồi dưỡng để sử dụng được máy tính phục vụ cho công việc.
Người phụ trách: Phó Hiệu trưởng, tổ công tác công nghệ thông tin.
5. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục:
- Xây dựng nhà trường văn hoá, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
- Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc phát triển Nhà trường.
+ Nguồn lực tài chính:
- Ngân sách Nhà nước: Được giao hàng năm.
- Ngoài ngân sách Nhà nước: Xã hội hóa giáo dục.
- Các nguồn từ giảng dạy, dịch vụ của nhà trường.
+ Nguồn lực vật chất:
- Diện tích đất, khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng làm việc và các công trình phụ trợ.
-Trang thiết bị dạy học, công nghệ thông tin phục vụ dạy và học.
Người phụ trách: BGH, BCH Công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh.
6. Xây dựng thương hiệu:
- Xây dựng thương hiệu và sự tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường.
- Xác lập tín nhiệm thương hiệu đối với từng cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu của nhà trường.
V. TỔ CHỨC THEO DÕI, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH.
1. Phổ biến kế hoạch chiến lược:
Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, phụ huynh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.
2. Tổ chức:
Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn cho sát với tình hình thực tế của nhà trường.
3. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược:
- Giai đoạn 1: Từ năm 2010 - 2012: Giữ vững danh hiệu trường Tiên tiến.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2012 - 2015: Duy trì danh hiệu trường Tiên tiến; nâng cao hơn chất lượng các tiêu chí về kiểm trường học thân thiện. Đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3.
- Giai đoạn 3: Từ năm 2015 - 2020: Duy trì danh hiệu trường chuẩn Quốc gia; đạt danh hiệu thi đua tập thể lao động tiên tiến; chất lượng giáo dục trong tốp dẫn đầu trong khu và toàn huyện; hoàn thành phổ cập bậc trung học.
4. Đối với Hiệu trưởng:
Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học.
5. Đối với Phó Hiệu trưởng:
Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.
6. Đối với tổ trưởng chuyên môn:
Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
7. Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên:
Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
VI. KẾT LUẬN:
1. Kế hoạch chiến lược là một văn bản có giá trị định hướng cho sự xây dựng và phát triển giáo dục của nhà trường phát triển đúng hướng trong tương lai; giúp cho nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý trong từng năm.
2. Kế hoạch chiến lược còn thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường xây dựng cho mình một thương hiệu, địa chỉ giáo dục đáng tin cậy.
3. Trong thời kỳ hội nhập, có nhiều sự thay đổi về kinh tế xã hội, kế hoạch chiến lược của nhà trường sẽ có sự điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp. Tuy nhiên bản kế hoạch chiến lược này là cơ sở nền tảng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển giáo dục cho những giai đoạn tiếp theo một cách bền vững.
VII. KIẾN NGHỊ:
1. Đối với địa phương:
- Quan tâm, tăng cường xây dựng thêm các phòng học và phòng làm việc để nhà trường tổ chức tốt các hoạt động dạy và học.
- Có kế hoạch và sự chuẩn bị về tài chính để xây dựng cho nhà trường khu hiệu bộ, sân trường, nhà tập đa năng; sửa chữa các phòng học cũ,...như dự kiến của nhà trường trong văn bản này.
2. Đối với phòng GD&ĐT:
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện tốt kế hoạch chiến lược đã đề ra; chỉ đạo, giúp đỡ nhà trường về cách tổ chức và thực hiện.
3. Đối với nhà trường:
Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của kế hoạch chiến lược đã xây dựng và quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch, xây dựng nhà trường xứng đáng với sứ mệnh, tầm nhìn và các hệ thống giá trị cơ bản đã đề ra; thường xuyên có những đóng góp ý kiến để chiến lược phát triển nhà trường ngày một hoàn thiện hơn và có tính khả thi cao.
"Kế hoạch Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010- 2015, Tầm nhìn 2020” của trường THCS Tân An đã được Hội đồng trường nhiệm kì 2009-2014 thông qua 100% và được sự nhất trí 100% của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường.
PHÊ DUYỆT CỦA
PHÒNG GD& ĐT THANH HÀ
|
HIỆU TRƯỞNG
|