PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÀ
TRƯỜNG THCS TÂN AN
Video hướng dẫn Đăng nhập

Kính thưa các Quý vị đại biểu khách quý là Lãnh đạo của Đảng ủy; Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân; Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân An;

          Kính thưa các ông là Trưởng Phó Ban đại diện cha mẹ học sinh trường THCS Tân An!

          Thưa toàn thể các thầy, cô giáo và các em học sinh yêu quý!

Thực hiện kế hoạch năm học 2017 - 2018 cùng công văn chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục & Đào tạo; hôm nay, ngày 20/11/2017, thầy và trò trường THCS Tân An, tổ chức Lễ kỉ niệm lần thứ 35 ngày Nhà giáo Việt Nam: (20/11/1982- 20/11/2017); thay mặt cho lãnh đạo nhà trường, tôi chân thành kính chúc các thầy cô giáo, các em học sinh vui khỏe, công tác, học tập tốt; kính chúc và ghi nhận sự quan tâm của Hội cha mẹ học sinh, các đại biểu là lãnh đạo Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan liên quan đã đến chúc mừng Nhà trường và cá nhân các thầy, cô giáo trong tháng thực hiện chủ điểm “Tôn sư trọng đạo” và ngày Lễ kỉ niệm trọng thể , ý nghĩa này; Đề nghị chúng ta cho một tràng pháo tay!

 Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em! Lịch sử xã hội loài người có một đặc trưng thật ưu việt, đó là, ở đâu có con người thì ở đó có giáo dục. Xuất xứ của  ngày nhà giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc trưng ấy. Đó là tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế nhà giáo được thành lập tại Pari thủ đô nước cộng hòa Pháp đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên; gọi tắt theo tiếng Pháp là Pise; và cho đến năm 1953, công đoàn giáo dục Việt Nam được công nhận là thành viên của tổ chức này; Năm 1957, từ ngày 26 đến 30/8 Hội nghị của Pise gồm 57 nước đã họp tại Vác Sa Va - thủ đô của Ba Lan đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Ngày 20/11/1958 là ngày lần đầu tiên được tổ chức tại miền Bắc Việt Nam. (Lí do, ngày ấy đất nước ta tạm thời bị đế quốc Mỹ, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm chia cắt).

Tháng 11/1975, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức thống nhất trong cả nước. Đến ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước cộng hòa XHCN Việt Nam, nay là Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. 20/11- là ngày cũng như ngày Khai giảng năm học mới - là ngày toàn đảng, toàn dân các ban ngành, phụ huynh học sinh… thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp giáo dục… Đất nước ta có truyền thống văn hiến, trọng đạo lý, trước sau! Các câu nói trong tục ngữ ca dao, hay của các nhân vật nổi tiếng như: “không thầy đố mày làm nên”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Nhân bất học bất tri lý”; “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”; “Tri thức là sức mạnh”, “Để cho con một hòm vàng đầy không bằng dạy con một quyển sách”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… có lẽ cho đến bây giờ và mãi về sau còn nguyên giá trị, đồng thời ngày càng có nhiều minh chứng sát thực. Nhân đây, xin dẫn chứng về một số gương Người thầy giáo tiêu biểu qua một số thời kỳ lịch sử. Trước nhất là thầy Chu Văn An - tự Linh Triệt - người đến bây giờ được tôn vinh là người thầy của muôn đời. Thầy sinh năm 1292 tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì nay là Hà Nội, mất năm 1370, an nghỉ tại Chí Linh, Hải Dương. Người thông minh, học giỏi,, thông kinh bác sử, tài năng xuất chúng, có khí tiết. Năm 20 tuổi được vua Trần Minh Tông mời làm tư nghiệp Quốc tử giám (dạy học cho Thái tử). Năm 1341, học trò của ông là Trần Dụ Tông lên làm vua, ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi phạm phép nước; nhiều lần thầy khuyên vua sửa, vua không sửa; có lần ông dâng sớ (còn gọi là Thất Trảm sớ) đề nghị vua chém đầu 7 quan nịnh thần, vua không nghe, thầy đã trao trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh - Chí Linh nơi là sở lỵ ban đầu của Thành Đông – Hải Dương sau này; thầy dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh cho dân, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế.

Người thầy tiêu biểu thứ 2 là thầy Nguyễn Sinh Sắc – Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đồng thời là thân phụ, thầy khai tâm của Bác Hồ (Thời niên thiếu bác tên là  Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành). Cụ Sắc là người có ý thức về học vấn, hiếu học, yêu nước có chí khí. Cụ đã dạy Bác Hồ lòng hiếu thảo, tính tự lập…, chính qua các buổi trò chuyện với nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (thầy dạy khai tâm của Phan Bội Châu là thầy Nguyễn Sĩ Lạng) mà đã hun đúc thêm lòng yêu nước, là cơ sở gián tiếp để Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Tiếp nữa là thầy Vương Thúc Quý - thầy dạy trực tiếp của Nguyễn Sinh cung. Cụ Vương Thúc Quý đức độ, uyên thâm hết mình vì học trò trong đó có Nguyễn Tất Thành, và chính từ những người thầy khai tâm ấy đã dạy cho Bác của chúng ta - thầy Nguyễn Tất Thành lòng yêu nước, thương dân, ý chí phấn đấu tìm ra con đường cứu nước đúng đắn; sáng lập ra Đảng cộng sảnViệt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng Đảng đưa nhân dân ta vượt qua nhiều khó khăn, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi đến thắng lợi khác…được thế giới tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, bình chọn là danh nhân văn hóa thế giới… Một người thầy vĩ đại nữa, đó là cụ Võ Liêm Sơn! Thầy sinh ngày 07/7/1888 tại Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; ông nội là Tiến sĩ Võ Tuấn Sơn; Cha là cử nhân Võ Kiều Sơn; mẹ là cô ruột của ông nghè Ngô Đức Kế; Chị là cô ruột cố giáo sư Nguyễn Đình Tứ. Thầy Võ Liêm Sơn là thầy giáo của hai Tổng bí thư của Đảng là Trần Phú và Hà Huy Tập; của thầy giáo, danh tướng Võ Nguyên Giáp - “một người thầy của đức tài, nghĩa nhân huyền thoại, đã biến thành tinh tú giữa trời sao;” là một trong 10 mười vị tướng tài của thế giới; là vị tướng duy nhất được đúc tượng thờ khi vẫn còn sống.

           Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô và các em!

Còn có biết bao các gương các thầy, cô tiêu biểu khác nữa song, do điều kiện thời gian không thể nói hết được. Chỉ muốn nói rằng: “cõi học và người thầy”, sự nghiệp giáo dục mà đảng ta xác định là “Quốc sách hàng đầu”, “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” và cũng đúng nghĩa là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay yêu cầu người làm nghề dạy học và xã hội  phải hiểu sâu sắc hơn nữa nhiệm vụ của “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”, bức thiết đến nhường nào trong cuộc hội nhập và cuộc cách mạng bốn chấm không! phải sáng tạo, phải có cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, kinh phí để thầy và trò trải nghiệm, có kỹ năng, gắn thực tế; phải có chất lượng đầu vào đào tạo người thầy ngành sư phạm; chương trình dạy ở đại học, cao đẳng và phổ thông phải phù hợp thiết thực; phải có cơ chế tự chủ, cơ chế giám sát, cơ chế giải trình các quyết định từ giáo dục, rồi nữa biên chế hay hợp đồng theo lộ trình ra sao? đang làm cho những người có tâm với ngành giáo dục và các cơ quan chức năng hết sức quan tâm. Cũng nhân ngày 20/11/2017 này, tôi xin được biểu dương các tổ chức, cá nhân, các cấp đã có sự quan tâm, ủng hộ nhà trường từ trước tới nay, biểu dương các thầy cô, các em học sinh đã đạt thành tích trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày 20/11; rất mong các thầy, cô hãy xác định đúng lập trường của mình, yên tâm với nghề nghiệp, giữ cái tâm của người thầy, đoàn kết, chia sẻ với những điều cho là khó khăn trước mắt, để “đổi mới sáng tạo trong dạy và học, hoàn thành tốt nhiệm vụ; Mong và đề nghị các cấp lãnh đạo, các tổ chức, hội, cha mẹ học sinh, các doanh nhiệp, nhà hảo tâm… hãy vì con em chúng ta, tương lai quê hương, dân tộc… quan tâm hơn nữa đến nhà trường, trước nhất, là về tinh thần và sự phối kết hợp trong việc giáo dục ý thức, đạo đức, động cơ, mục đích học tập của con em; sau là cơ sở vật chất để đến tháng 6/2019, qua kiểm tra, nhà trường, địa phương giữ vững và phát huy 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia và đánh giá ngoài.

          Một lần nữa xin kính chúc các quý vị đại biểu vui khỏe, hạnh phúc, thành công!  

Chúc các thầy cô, các em: vui, học, thi, giảng dạy, kiểm tra đạt kết quả cao, an toàn, hạnh phúc.                            

Xin trân trọng cám ơn!   

                                                                                                 Hiệu trưởng

                                                                                         

                                                                                                 Nguyễn Sĩ An


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đồng chí Nguyễn Văn Lực, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà và đồng chí Bùi Minh Khướng,Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh ... Cập nhật lúc : 9 giờ 4 phút - Ngày 30 tháng 9 năm 2014
Xem chi tiết